Nhằm thực hiện Chương trình Chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo theo định hướng dạy học phát triển năng lực tự học, năng lực số, dạy học dựa trên trải nghiệm; giúp giáo viên kết nối, sử dụng được hệ sinh thái giáo dục AEGlobal, làm rõ việc áp dụng dạy học kết hợp (Blended learning) trong một số hoạt động trên lớp cũng như phát triển năng lực của học sinh. Chiều ngày 14/4/2023, giáo viên khối 3 đã xây dựng và tổ chức thành công Chuyên đề “Ứng dụng Hệ sinh thái AE Global trong Dạy học Kết hợp nhằm phát triển năng lực học sinh thông qua môn Toán 3 chương trình GDPT 2018”
Chuyên đề được thực hiện dựa trên các hoạt động gồm 3 pha: trước giờ lên lớp, trong giờ lên lớp và sau giờ lên lớp.
Ở pha trước giờ lên lớp, cô giáo đã soạn phiếu bài tập gồm các câu hỏi có nội dung gắn bó chặt chẽ với kiến thức cần tìm hiểu trong bài, số hóa, giao nhiệm vụ cho học sinh trên Hệ sinh thái AE global. Với mục đích tạo hứng thú cho HS vận dụng kiến thức trong chủ đề nhân số có năm chữ số với số có một chữ số, đánh giá và tự đánh giá mức độ ghi nhớ và tái hiện kiến thức của học sinh; rèn luyện các kĩ năng công nghệ thông tin liên quan đến tìm kiếm và phân tích, ghi nhận và phản hồi thông tin dưới các hình thức làm phiếu và bình luận.
Ở pha trong giờ lên lớp, cô giáo đã tổng kết, thông báo các kết quả làm việc trước giờ học của HS, mô phỏng bằng sơ đồ hiển thị mức độ nắm bắt kiến thức, phân hoá đối tượng, kết hợp với việc dạy học trực tiếp, lựa chọn cung cấp kiến thức phù hợp với học sinh nhằm phát triển năng lực tự học. Mặt khác, thông qua các tài nguyên video, trò chơi học tập của hệ thống, ở phần vận dụng, cô giáo đã đưa thêm những bài toán tư duy song ngữ nhằm phát triển năng lực của học sinh đáp ứng nhu cầu hội nhập cho học sinh khi môi trường học tập ngày càng rộng mở.
Bên cạnh đó, ở pha sau giờ lên lớp, cô giáo đã đưa ra phiếu bài tập tiếp theo, nhắc học sinh truy cập làm bài tập, xem lại quá trình học tập, chủ động làm lại các phần chưa chính xác, thảo luận với bạn, giáo viên về nội dung bài học nhằm củng cố, mở rộng, khắc sâu kiến thức.
Tiết học diễn ra rất sôi nổi, các em học sinh tích cực học tập, tương tác, khai thác các tiện ích trên các thiết bị số, hứng thú tìm hiểu và thể hiện được kiến thức vô cùng “thông thái” dưới sự dẫn dắt và của cô giáo. Qua đó, các giáo viên có cái nhìn trực quan, cụ thể hơn các bước chuẩn bị, sử dụng tài nguyên, cách thức tổ chức các hoạt động, đưa ra những giải pháp toàn diện, sự đột phá trong việc tổ chức dạy và học nhằm đem lại những giờ học hiệu quả, tại các lớp.